Hướng dẫn ngắn gọn về những điều cơ bản của cuộc chiến đấu thiêng liêng

12-01-2024 341 lượt xem

Cuộc chiến đấu thiêng liêng, một phần quan trọng của đời sống Kitô hữu, đòi hỏi sự cảnh giác và kiên trì. Nhưng nó cũng giúp chúng ta sống trong bình an và niềm vui của các Mối Phúc Thật.

Chủ đề “cuộc chiến đấu thiêng liêng” xuyên suốt Kinh Thánh, đồng thời cũng là một phần trong giáo huấn của Tông Truyền và Huấn quyền. Như Giáo lý của Giáo hội Công giáo nêu rõ:

  • “Bí tích Rửa Tội, khi ban cho con người đời sống ân sủng của Chúa Kitô, xóa bỏ tội tổ tông và đưa con người trở về cùng Thiên Chúa, nhưng những hậu quả của tội tổ tông trên bản tính, đã bị suy yếu và hướng chiều về điều xấu, vẫn tồn tại nơi con người và kêu gọi con người vào cuộc chiến đấu thiêng liêng” (GLGHCG, số 405).

1. Ba kẻ thù cần phải chiến đấu chống lại

Định nghĩa một cách đơn giản, “cuộc chiến đấu thiêng liêng” là cuộc chiến chống lại cái ác, nhằm đạt được sự thánh thiện trong thế giới này và sống dưới trần gian này và ở đời sau trong tình trạng hạnh phúc với Thiên Chúa. Cuộc chiến này được tiến hành chống lại “kẻ thù đắng đót”, theo cách nói của Linh mục Lorenzo Scupoli, tác giả của tác phẩm nổi tiếng thế kỷ XVI “Cuộc chiến đấu thiêng liêng”, một tác phẩm kinh điển của văn học Kitô giáo trong nhiều thế kỷ. 

Những kẻ thù này có ba thứ: Satan, thiên thần chống đối Thiên Chúa và vẫn muốn lôi kéo mọi người vào đau khổ và địa ngục; thế gian - theo nghĩa một thực tại được tổ chức theo cách thù địch với Thiên Chúa; và cuối cùng là “xác thịt.”

Để hiểu đầy đủ ý nghĩa của kẻ thù thứ ba này, chúng ta cần phân biệt nó với “thân thể” và nhìn thấy trong đó, theo lời của LM Pascal Ide, “sự mong manh đầy  thương tích và tội lỗi của chúng ta, hay ‘bóng tối’ của chúng ta.” 

2. Số phận của tất cả các vị thánh

Mục tiêu của cuộc chiến tâm linh là tăng trưởng tâm linh trong tình yêu, lòng bác ái sống động hơn và sự kết hợp sâu sắc hơn với Chúa. Tất cả các vị thánh đã chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến này, chẳng hạn như Thánh Têrêsa Lisieux. Một số người có thể lầm tưởng rằng người thầy của “con đường thơ ấu thiêng liêng” có thể đã tránh được những trận chiến như vậy. Chưa hết, trong Chuyện Một Tâm Hồn, thánh nữ kể lại việc ngài đã chiến đấu hằng ngày chống lại lòng tự ái của mình như thế nào. Thánh nữ đã thực hành những hy sinh nhỏ bé và những việc đền tội mà người khác không thể nhìn thấy nhưng khiến thánh nữ phải trả giá đắt.

Một cách thi vị, thánh nữ rằng qua tất cả những cuộc chiến đấu nhỏ bé của mình, ngài đã “tung hoa” dâng cho Chúa Giêsu, tình yêu duy nhất của ngài, và đổi lại nhận được từ Ngài sự hoán cải của những kẻ tội lỗi. 

3. Tinh thần chiến đấu 

Ngày nay, nếu chúng ta có huấn luyện viên cho cuộc chiến đấu thiêng liêng, trước tiên họ sẽ bảo chúng ta phát triển tinh thần chiến đấu! Để trở thành một chiến binh giỏi, chúng ta cần có sự sáng suốt đúng đắn. Chúng ta cần xin Chúa Thánh Thần soi sáng trong lòng chúng ta để chúng ta có thể phân biệt rõ hơn những khuynh hướng xấu và những khuynh hướng tốt - và chuyển hóa chúng thành những thói quen tốt hàng ngày. Trước khi chiến đấu chống lại tội lỗi của người lân cận, trước tiên chúng ta hãy chiến đấu chống lại tội lỗi của chính mình với sự khiêm tốn. Chiến đấu mà vẫn kiêu ngạo tin rằng chúng ta tốt lành hơn những người khác sẽ đưa đến hậu quả làm chúng ta xa cách Thiên Chúa.

Chúng ta cũng phải cẩn thận để không chọn nhầm đối thủ. Chúng ta không chiến đấu chống lại con người, thậm chí không chống lại chính chúng ta, nhưng chống lại những ác thần và tội lỗi của chính chúng ta (x. Ep 6:12). Điều này ngụ ý tin vào sự hiện diện của ma quỷ - kẻ đang tìm cách chia rẽ chúng ta - và nhận thức được hành động của hắn đang tìm cách “hủy hoại các linh hồn”, như Đức Giáo hoàng Lêô XIII dạy chúng ta trong lời cầu nguyện với Thánh Tổng lãnh thiên thần Mihae và Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc nhở chúng ta.

Linh mục Lorenzo Scupoli nhắc nhở chúng ta về chiến lược của Thần Ác: làm chúng ta đui mù để chúng ta không nhận ra tình trạng tội lỗi của mình; khiến chúng ta quen với những khuynh hướng xấu xa của chúng ta; và khiến chúng ta thường xuyên rơi vào cùng một thứ tội và thậm chí là những tội lỗi lớn hơn bằng cách nhân lên những cơ hội nguy hiểm liên quan đến bất cứ yếu đuối lớn nhất nào của chúng ta. 

4. Cuộc chiến chống lại sự ích kỷ

Tiếp theo, chúng ta phải tuyên bố chiến đấu liên tục chống lại thói ích kỷ của chúng ta. Một cách nho nhỏ để làm điều này là dành sự ưu tiên cho người khác: Trở thành người cuối cùng ăn một miếng tráng miệng hoặc là người cuối cùng đưa ra ý kiến ​​của mình, dù đây có thể là một việc không đáng kể.

Linh mục Scupoli cho chúng ta một lời khuyên độc đáo: Theo quan điểm của ngài, tốt nhất là chỉ tập trung vào một đức tính cần đạt được tại một thời điểm. “Chỉ cần một đức tính vững chắc trong cõi lòng chúng ta là có thể sớm thu hút được tất cả những đức tính khác.” Từ đó trở đi, chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội để thực hành đức tính này trong ngày, không bị bất ngờ trước những nghịch cảnh chắc chắn sẽ xảy đến với mình.

Ví dụ, nếu chúng ta có xu hướng nói hành, điều đầu tiên chúng ta có thể cầu xin Chúa vào buổi sáng là sức mạnh để chống lại sự cám dỗ nói hành trong ngày. Chúng ta có thể quyết định rằng chúng ta sẽ tự nguyện nói tốt về ai đó trước khi màn đêm buông xuống. Tất cả những nỗ lực này giúp chúng ta phát triển đức tính trái ngược với việc buôn chuyện, đó là nói tốt về người khác và làm điều tốt cho họ.

Chìa khóa cuối cùng để phát triển tinh thần chiến đấu là chấp nhận chiến đấu hằng ngày, hành động với quyết tâm và sự kiên trì. Điều đó cần một ý chí mạnh mẽ, lòng can đảm và sự kiên trì. Nói tóm lại, việc tham gia vào cuộc chiến đấu thiêng liêng đòi hỏi phải có ý chí làm như vậy. 

5. Cầu nguyện là công cụ đầu tiên của chúng ta

Công cụ đầu tiên trong cuộc chiến thiệng liêng là cầu nguyện, để luôn hiệp nhất với Chúa. Chính Giáo lý của Giáo hội Công giáo trình bày cầu nguyện như một cuộc chiến: “Chống lại chính chúng ta và chống lại những mưu mô của Tên cám dỗ, là kẻ muốn làm tất cả để con người bỏ cầu nguyện” (GLGHCG, số 2725). 

Một lời cầu nguyện ngắn được Linh mục Scupoli đề nghị khi chúng ta chiến đấu thiêng liêng chống lại sự dữ là: “Lạy Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc của con, xin giải thoát con khỏi kẻ thù của con, để tôn vinh Cuộc Khổ Nạn và lòng nhân lành khôn tả của Chúa”.

Chúng ta cũng có thể cầu nguyện bằng cách đọc Kinh Lạy Cha - trong đó chúng ta cầu xin Thiên Chúa “xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”, cầu khẩn danh Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria, cầu nguyện với thiên thần hộ mệnh của chúng ta hoặc các vị thánh - đặc biệt là Tổng lãnh thiên thần Micae - hoặc Đức Trinh Nữ Maria - với lời cầu nguyện này được Thánh Piô X tán thành, đặc biệt dành riêng cho cuộc chiến đấu thiêng liêng.

Suy niệm về cuộc đời và cuộc thương khó của Chúa qua chuỗi Mân Côi cũng là một công cụ mạnh mẽ để xua đuổi tội lỗi và những điều xấu xa trong cuộc sống của chúng ta, cũng như chiến tranh và những thảm họa khác. 

6. Thánh Kinh

Một phương pháp được chính Chúa Giêsu sử dụng bao gồm trích dẫn nguyên văn một đoạn Kinh Thánh để đáp lại sự cám dỗ xảy đến với chúng ta (x. Mt 4:1-11). Chẳng hạn, nếu chúng ta thường xuyên bị cám dỗ bởi sự ô uế, chúng ta có thể học thuộc lòng câu Kinh Thánh sau đây và đọc nó bằng cả tấm lòng khi có sự cám dỗ: “Thật vậy, Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện” (1 Tx 4:7). 

7. Ăn chay

Nhịn ăn hoàn toàn, hay nhịn bánh và nhịn uống nước, là một công cụ mạnh mẽ khác khi kết hợp với cầu nguyện. Tuy nhiên, Linh mục Scupoli coi chủ trương khổ hạnh về thể xác chỉ là thứ yếu so với những thực hành mà ngài cho là cần thiết hơn: kiên nhẫn trong thử thách, sẵn sàng lấy ơn trả oán và khổ chế thói tự ái. 

8. Bí tích, á bí tích và các đồ thánh

Bí tích hòa giải và Bí tích Thánh Thể, và thứ hai là việc sử dụng các đồ thánh - các vật được làm phép như Áo choàng Camêlô, Phép lạ và Thánh . Ảnh vẩy Phép lạ và ảnh Thánh Bênêđictô, và nước phép, v..v...) cũng không thể thiếu được. Sau đó, chúng ta chiến đấu với “kẻ thù” của mình cùng với chính Chúa Giêsu Kitô.

Nếu chúng ta không thể rước lễ mỗi ngày, Linh mục Scupoli mời gọi chúng ta ít nhất hãy thực hành sự rước lễ thiêng liêng. Dưới đây là một công thức đơn giản:

  • Lạy Chúa Giêsu của con, con tin rằng Chúa hiện diện trong Bí Tích Cực Thánh. Con yêu Chúa trên hết mọi sự và con ao ước đón nhận Chúa vào tâm hồn con. Vì lúc này con không thể đón nhận Chúa thật, nên ít nhất hãy đến với lòng con cách thiêng liêng. Con ôm lấy Chúa như thể Chúa đã ở đó và hoàn toàn hiệp nhất với Chúa. Xin đừng bao giờ để con xa cách Chúa. Amen.

9. Xét mình

Cuối cùng, xét mình là một công cụ được khuyên dùng để loại bỏ điều ác ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Đó là một bài tập đơn giản: Chúng ta dành một chút thời gian để suy ngẫm xem Chúa đã hành động như thế nào trong cuộc sống của chúng ta ngày hôm đó, những ân sủng và lời mời gọi mà Ngài đã ban, v.v. Chúng ta cũng xem xét những lỗi lầm chúng ta đã phạm trong ngày và xem xét hoàn cảnh mà chúng ta mắc phải. Sau đó, chúng ta cầu xin Chúa tha thứ, nói với Ngài về mong muốn mạnh mẽ của chúng ta là không xúc phạm đến Ngài nữa và có được nhân đức ngược lại với tội ác mà chúng ta đã phạm.

Bằng cách chấp nhận cuộc chiến đấu hằng ngày chống lại điều ác, chúng ta tái khẳng định mong muốn được kết hợp với Thiên Chúa, sự cam kết của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô, Vua của chúng ta, và việc chúng ta từ bỏ Satan. Kết quả là niềm vui sâu sắc - không phải niềm vui hời hợt của thế gian, mà là niềm vui của Đức Trinh Nữ Maria, người đã nghiền nát đầu Satan và hát bài ca Magnificat của mình mãi mãi!

Tác giả: Aliénor Strentz, https://aleteia.org

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.