ĐỪNG CÓ GÌ NGOÀI YÊU THƯƠNG

19-04-2024 623 lượt xem

SUY NIỆM DÀNH CHO HÀNG LINH MỤC NHÂN LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH

Nếu có ai hỏi, tôi sợ điều gì nhất, tôi sẽ trả lời tức khắc: Sự dữ! Vì thế, tôi mong sự lành, mong tha thiết. Tôi thường xin Chúa ban bình an và giải thoát sự dữ trong lòng tôi, giải thoát sự dữ xung quanh tôi, giải thoát những hình thức nô lệ của tội, vì tội là sự dữ, là nguồn cội gây nên sự dữ.

Sự dữ tôi muốn đề cập đến là sự dữ nội tại trong lòng và xuất ra từ cõi lòng. Đó là thứ sự dữ vô cùng nguy hiểm, vô cùng đáng sợ. Nó biến lòng người không còn chút lương tâm, mà chỉ là tà tâm. Nó khiến kẻ chất chứa nó trong lòng không còn chút ánh sáng nào, mà chỉ là đen tối.

Càng kinh hãi hơn khi tà tâm liên kết với nhau, không còn ở mức độ bộc phát, không còn mang hình thức lẻ tẻ, nhưng biến thành một mạng lưới giăng mắc gây nên những khốc hại, những đổ vở nặng nề.

I. LINH MỤC HÃY SỢ SỰ DỮ!

Mỗi lần giơ tay ban phép lành, linh mục là người trao ban bình an của Thiên Chúa cho anh chị em. Đặc biệt, trong bí tích giải tội, không chỉ trao ban bình an, khi dùng tác vụ của Hội Thánh, cùng với việc trao ban bình an, linh mục còn là người xua trừ sự dữ khỏi tâm hồn anh chị em. Điều đó cũng có nghĩa là linh mục giải thoát anh chị em của mình ra khỏi sự dữ, khỏi mọi hình thức nô lệ của nó.

Dù vậy, biết đâu phía sau hành động nhân danh Thiên Chúa tha tội cho anh chị em - hiểu theo một nghĩa rộng nào đó, linh mục là tác giả của sự giải thoát - người linh mục có thể là kẻ không chất chứa sự lành, ngược lại, chất chứa cả một hố sâu thăm thẳm đầy sự dữ, tội lỗi ngay trong chính tâm hồn mình?

Bởi bên cạnh rất nhiều linh mục ngày đêm vươn tới sự lành, lo vun bồi, tưới bón để ơn gọi của mình phong phú hơn, thánh thiện hơn, thì đâu đó vẫn còn những bóng tối của sự dữ thống trị tâm hồn linh mục. Nó biến họ thành những kẻ thích xoi mói, thích gieo tiếng xấu, thích nịnh bợ bề trên, xem thường anh em và những người cùng sống, cùng làm việc, cùng chia sẻ gánh nặng mà chính mình phải mang vác trước…

Hoặc chính linh mục lại hạ danh dự, ganh ghét, gièm pha… anh em linh mục với nhau nói riêng và anh chị em xung quanh nói chung. Tệ hại hơn, chính anh em linh mục chẳng những không thể tha thứ, lại rắp tâm nuôi lòng thù và muốn trả thù một điều gì đó, một ai đó đã gây ra điều bất lợi cho mình.

Linh mục cũng chính là người có thể kéo bè, lập nhóm, a dua theo những thế lực khác nhau, không nhằm giới thiệu Chúa Kitô, hay xây dựng những cộng đoàn yêu thương và cầu nguyện, nhưng hoàn toàn ngược lại, chỉ nhắm củng cố và tạo thêm sức mạnh quyền lực, sức mạnh phòng thủ của riêng bản thân.

Người linh mục cũng có thể lợi dụng chức vụ linh mục của mình tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm những giá trị vật chất. Nếu không tự đào tạo ơn gọi và lương tâm từng ngày, họ có thể cũng bon chen, cũng mưu toan tính toán như bao nhiêu tật xấu của nhiều anh chị em sống giữa đời.

Nếu không lo tích trữ sự lành, lại để những sự dữ ấy tự do thống trị, người linh mục sẽ trở thành kẻ nguy hiểm, bởi họ đi những bước rất dài trong sự xa cách ba lời khuyên Phúc  m đã từng thề hứa trong ngày chịu chức: vâng lời, khó nghèo, khiết tịnh.

Ơn thánh hiến mà bị lạm dụng, khác chi lời tiên tri Êgiêkiel cảnh báo: “Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc” (Ed 34,2- 4).

Ơn thánh hiến mà bị lạm dụng, phải chăng rất giống lời cảnh báo trong sách tiên tri Isaia dành cho sự đen tối và tội lỗi của Babylon: “Chính ngươi đã tự nhủ: ‘Ta sẽ lên trời: ta sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của Thiên Chúa; ta sẽ ngự trên núi Hội Ngộ, chốn bồng lai cực bắc. Ta sẽ vượt ngàn mây thẳm, sẽ nên như Đấng Tối Cao’. Nhưng ngươi lại phải nhào xuống âm phủ, xuống tận đáy vực sâu… Ngươi bị liệng ra khỏi mồ, như một mầm non ghê tởm, nằm trong đám người chết vì gươm đâm, trên những phiến đá dưới vực thẳm, tựa thây ma bị người ta giày xéo…” (Is 14, 13-19).

Theo cách nhìn và diễn tả của Thánh Kinh, Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống các Linh mục cũng dứt khoát đòi: “Các linh mục phải là những người lãnh đạo không phải để tìm tư lợi, nhưng tìm những điều thuộc về Đức Giêsu Kitô; các ngài cùng làm việc với giáo dân và sống giữa họ theo gương của vị Thầy, Đấng đến giữa mọi người 'không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc nhiều người' (Mt 20,28). Các linh mục phải chân thành nhìn nhận và khích lệ phẩm giá và vai trò riêng của giáo dân trong sứ mệnh Giáo Hội. Các ngài cũng hãy tôn trọng quyền tự do chính đáng mà mọi người có quyền được hưởng trong thành đô trần thế. Các ngài phải sẵn lòng lắng nghe giáo dân, cứu xét các nguyện vọng của họ trong tinh thần huynh đệ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động nhân văn, để có thể cùng với họ nhận biết những dấu chỉ của thời đại”.

Ơn gọi thánh hiến và chính đời linh mục mà không tập trung vào tấm gương của Chúa Kitô, lại để xảy ra nhũng tiêu cực như đã nói bên trên thì thật là bi đát, thật nguy hiểm cho Hội Thánh của Chúa và xúc phạm danh Thiên Chúa.

Là linh mục của Chúa, anh em chúng ta hãy nuôi dưỡng một lối sống lành mạnh. Hãy theo đuổi ơn gọi nên thánh suốt đời, đó là điều mà chính Chúa Giêsu đã dạy: “Các ngươi hãy nên thánh thiện, như Cha các ngươi trên trời là Đấng thánh thiện” (Mt 5, 48).

Trên hết hãy gieo sự lành. Xin đừng gieo sự dữ! Đừng gieo vào lòng, vào đời sống anh chị em. Đừng gieo nơi chính tâm hồn mình… Hãy sợ sự dữ!…

II. NGƯỜI LINH MỤC CẦN TRAU DỒI NH N ĐỨC YÊU THƯƠNG.

Nơi đâu có yêu thương, nơi đó có bình an. Vì thế, để cưu mang sự lành, loại trừ sự dữ, loại trừ mọi hình thức nô lệ của sự dữ, nhất là sự dữ ngay trong nội tâm của mình, anh em linh mục chúng ta cần học biết yêu thương, thực hành yêu thương, mời gọi yêu thương và mỗi ngày một cố gắng nên chứng tá hoàn hảo của tình yêu.

Vì thế, chúng ta cùng nhau đọc lại lời khuyên yêu thương của Abbé Pierre và thinh lặng một chút để kiểm điểm chính mình. Trong thinh lặng, hãy quyết tâm xua trừ sự dữ nơi cõi lòng mình:

    “Yêu thương là quên mình,
    hiến thân cho người khác.
    Nếu bạn được hạnh phúc,
    tôi hạnh phúc với bạn.
    Nếu bạn đang gặp thử thách,
    tôi đau khổ với bạn,
    và kề cận bạn.
    Tình yêu là hiệp thông,
    phó thác vào người khác,
    như một em bé
    phó thác vào mẹ nó.
    Khi ấy tình yêu trở thành
    mức độ của cách xử sự của chúng ta” (Abbé Pierre).

Trong khi phải thường xuyên thực tập lòng yêu thương, luôn luôn vươn tới nhân đức yêu thương hoàn hảo, trong thâm tâm và trong thực hành đời sống thánh chức của mình, người linh mục phải biết sợ sự dữ và tránh mọi thứ sự dữ do chính lòng mình gây nên.

Chúng ta cần khôn ngoan, tỉnh thức giữ cho mình luôn cháy lửa yêu thương và bằng mọi giá giải thoát bản thân khỏi mọi sự dữ nội tại nơi chính mình.

Bởi bên cạnh nhiều sự dữ ập đến ta không có cách chạy thoát bởi chúng từ ngoài tấn công vào, vẫn có những sự dữ từ chính nội tâm và lý trí của ta xuất ra.

Đó là thứ sự dữ đáng ghê tởm mà mọi linh mục phải chủ động trốn thoát. Hãy cố gắng ý thức mình để tránh xa tội lỗi. Đừng bao giờ cố ý phạm tội, đừng bao giờ để mình xuôi theo cám dỗ, để rồi buông mình cho dịp tội tự do lên ngôi, lấn chiếm tình yêu của ta dành cho Chúa và đuổi xa sự thánh thiện của tâm hồn ta. Một khi biết tránh xa tội lỗi, chúng ta sẽ tránh được sự dữ ghê gớm trên hết mọi sự dữ, đó là mất linh hồn.

Huấn thị Linh mục, Mục tử và Lãnh đạo cộng đoàn Giáo xứ của Bộ Giáo sĩ nhắc nhở các linh mục phải kiên trì nuôi dưỡng đời sống thánh thiện: “Do bởi tác vụ được uỷ thác cho các linh mục, vốn tự bản chất là một sự đồng hoá thánh thiện và có tính bí tích với Đức Giêsu-Kitô, các linh mục có một lý do mạnh hơn để nỗ lực sống thánh thiện... để xứng đáng với ân sủng mới được ghi dấu ấn trên linh mục, để ngài có thể đại diện cho Đức Kitô Thủ Lãnh và Mục Tử, và vì thế, ngài trở nên dụng cụ sinh động cho công trình cứu độ. Do vậy, trong khi thi thành thừa tác vụ, người linh mục, sacerdos in aeternum (tư tế đời đời), phải nỗ lực dõi theo mẫu gương của Chúa trong mọi sự, bằng cách kết hiệp với Người để nhận ra Thánh ý Chúa Cha, và tự hiến cho đoàn chiên. Thống nhất đời sống, hay sự thống nhất nội tâm giữa đời sống thiêng liêng và hoạt động thừa tác, đặt nền móng trên tình yêu đối với thánh ý Thiên Chúa và bác ái mục tử. Sự thống nhất đời sống, đặt nền tảng trên bác ái mục tử, sẽ tăng triển nhờ một đời sống cầu nguyện kiên trì, ngõ hầu người linh mục vừa trở nên chứng nhân của đức ái, vừa trở nên thầy dạy đời sống thiêng liêng” (số 10).

Nhằm làm nền tảng giúp suy nghĩ về đời sống linh mục của bản thân, để không chỉ chính mình phải luôn ấp ủ yêu thương và đừng là nguồn gieo sự dữ cho anh chị em mà còn không bao giờ là người chất chứa sự dữ nơi lòng dạ, chúng ta cần suy tư thêm Lời Chúa Giêsu báo trước khung cảnh phán xét của Người.

Chúa nói: “…Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng…” (Mt 25, 41-46).

Trong lời phán quyết của Chúa Giêsu, chỉ cần ta làm ngơ, thiếu thái độ tích cực, thiếu sự nâng đỡ của mình dành cho anh chị em khi họ vướng phải những nghịch cảnh, ta đã bị đồng hóa với “sứ thần”của “ác quỷ”, và phải “vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó”. Huống hồ chính ta là kẻ chẳng những không hề biết sợ sự dữ, lại còn là kẻ gieo sự dữ. Anh em linh mục không biết canh chừng, lại để chính mình ra như thế, sẽ nguy hiểm biết chừng nào. Đó là một nguy hiểm lớn, nguy hiểm vô cùng.

Bởi thế, các linh mục hãy để cho Lời Chúa Giêsu nói về ngày phán xét ấy tra vấn lương tâm, để khi đối diện với Lời Chúa, đối diện với chính lòng mình, chúng ta suy xét lại từng hành vi, lối sống, từng nếp nghĩ, nếp làm bấy lâu nay trong suốt đời linh mục mà mình đã sống. Nhờ đó ta luôn nuôi dưỡng trong tâm hồn nhân đức yêu thương, nhằm trở nên thánh thiện hơn, xứng đáng hơn với ơn gọi linh mục mà Chúa trao ban.

Hãy nhớ rằng, Chúa sẽ tha thứ những lỗi lầm của quá khứ, và cả của hiện tại. Nhưng Chúa cũng đòi phải biến đổi lòng mình ngay từ giờ phút này, để ơn tha thứ mà Chúa ban cho bản thân mỗi linh mục sẽ còn tồn tại lâu dài. Chỉ có như thế, ta mới có một kết cuộc tốt lành, một tương lai xán lạn trong nhà Chúa của ta.

Bởi vậy, chúng ta, các linh mục của Chúa hãy cưu mang sự lành.
Hãy chỉ biết thực hành yêu thương.
Hãy trở thành sự hiện diện của đức ái bất cứ nơi đâu khi có sự hiện diện của linh mục.
Hãy biết sợ sự dữ. Đừng mang và đừng gieo sự dữ!…

Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

CHỦ CHĂN & CON CHIÊN

Việt ngữ rất độc đáo: Chủ Chăn và Con Chiên. Bốn mẫu tự C đơn giản mà phức tạp. Chủ chăn là mục tử. Mục tử là người chăn đàn súc vật, nếu nhỏ tuổi thì gọi là mục đồng. Ở Do Thái, mục tử chăn chiên và cừu; ở Việt Nam, mục tử chăn trâu, bò, dê,... Chúa Giêsu dùng hình ảnh cụ thể để ai cũng có thể hiểu khi Ngài đề cập mục tử tâm linh.

Không thể tách rời mối liên quan đàn chiên và chủ chiên. Chắc chắn rằng mục tử phải có đàn súc vật – chiên, dê, trâu, bò, ngựa,… nếu không thì không là mục tử. Tương tự, đàn súc vật phải có người chăn, nếu không thì chúng phá phách, tranh chấp hoặc lạc nhau. Chủ chiên phải làm cho đàn chiên sống bình yên, không thể bỏ bê, mặc kệ, bất cần, vô trách nhiệm,... Nếu vậy, đó chỉ là kẻ chăn thuê mà thôi.

Là tín nhân, ai cũng biết gương sáng mục tử là Thánh Gioan M. Vianney. Ngài quá đặc biệt về mọi phương diện, khỏi phải bàn. Còn có nhiều gương sáng mục tử khác mà ít người biết, chẳng hạn Thánh Phêrô Tarentaise (1102-1175, lễ ngày 8 tháng 5). Ngài là viện trưởng dòng Xitô, được bổ nhiệm làm TGM GP Tarentaise năm 1142, thay thế giám mục bị cách chức vì thoái hóa. Ngài nhiệt tâm làm nhiệm vụ, cải cách giáo phận, thay thế các giáo sĩ buông thả, và đến với dân nghèo. Ngài thường xuyên đến các vùng sơn cước trong giáo phận. Hiếm có người dám thẳng thắn và nhiệt huyết như vậy.

Sau khoảng 10 năm làm giám mục, ngài “biến mất” một năm và sống ẩn dật tại một tu viện ở Thụy Sĩ. Ngài bị phát hiện và lại phải trở về làm giám mục. Ngài rất quan tâm người nghèo. Giáo hoàng đã phái ngài đi giải hòa với vua nước Pháp và nước Anh nhưng không thành công, rồi ngài qua đời trên đường trở về tòa giám mục.

Tín hữu được gọi là con chiên, không gọi là con cừu. Con chiên là con còn nhỏ, con cừu là con đã lớn. Danh từ “con chiên” là danh từ nhà đạo, không hiểu theo nghĩa đen mà theo nghĩa bóng, và có ý nói là “ngoan đạo,” đôi khi cũng hiểu theo nghĩa tiêu cực là “vâng lời mù quáng.” Anh ngữ có danh từ SHEEPLE /SHēpəl/ được sử dụng từ năm 1945. Chữ Sheeple được ghép bởi chữ Sheep (chiên, cừu) và People (người), ý nói người nhút nhát, nhẹ dạ cả tin, dễ bị dụ, bị lừa.

Chủ PHẢI biết tính vật nuôi, dù vật nuôi biết chủ mà KHÔNG hiểu ý chủ. Đó là nói về vật nuôi, còn về nghĩa bóng cũng tương tự, dù có khác một chút. Mục tử và đàn chiên đều là con người, mà con người thì rất phức tạp và đa dạng. Người Việt so sánh: “Rau nào sâu nấy” hoặc “thầy nào trò nấy.” Dù ít hay nhiều cũng có ảnh hưởng lẫn nhau với mức độ nhất định.

Môi trường sống mỗi nơi mỗi khác, người ta phải thích nghi để hài hòa cuộc sống: “Ở đâu âu đấy.” Sự ảnh hưởng là sự tác động thay đổi bởi người khác đối với cách suy nghĩ, hành động, lối sống, phong cách,... thậm chí cả tính khí. Sự ảnh hưởng là một dạng áp lực – có thể tốt hoặc xấu. Áp lực đồng đẳng là động thái của chúng ta thay đổi bởi bạn bè. Người ta ảnh hưởng nhiều thứ: Văn hóa, xã hội, chính trị, tôn giáo, môi trường, kiến thức,... Sự ảnh hưởng có thể do ý thức hoặc vô thức, thậm chí nó có thể dần dần hình thành tính cách của một con người.

Thánh TS Thomas Aquino xác định: “Đức tin cần có cả trí tuệ và ý chí.” Tin như vậy mới là sáng suốt, không mù quáng, và cũng có nghĩa là chịu ảnh hưởng một cách đúng đắn chứ không hùa theo hoặc miễn cưỡng. Thần học gia kiêm triết gia Albert Schweitzer nói: “Gương mẫu không phải là điều chính yếu gây ảnh hưởng lên người khác, mà nó là điều duy nhất.” Còn thần học gia kiêm triết gia William James nói: “Chính thái độ của chúng ta khi bắt đầu một việc khó khăn sẽ ảnh hưởng kết quả thành công nhiều hơn bất cứ điều gì khác.”

Ai cũng có quyền tự chọn của mỗi người, và tất nhiên có hệ lụy tất yếu – tốt hoặc xấu. Thiên Chúa không ép buộc ai, nhưng “ai ĐÃ CÓ thì ĐƯỢC CHO THÊM và sẽ CÓ DƯ THỪA; còn ai KHÔNG CÓ thì ngay CÁI ĐANG CÓ cũng sẽ BỊ LẤY ĐI.” (Mt 25:29) Cuộc sống thật đáng sợ với lòng ghen tức: Giàu có thì bị ngó, nghèo khó thì bị khinh, thông minh thì bị đì, ngu si thì bị triệt. Chỉ có người giỏi mới công nhận tài năng của người khác. Chúa Giêsu đã có những lúc phải bỏ đi nơi khác vì người ta không chấp nhận Ngài và tìm cách hại Ngài. Mệt mỏi thật!

Khi người ta không thích mình thì cứ tránh xa kẻo họ “ngứa mắt,” chứ họ chẳng có gì mà phải sợ. Không thèm cãi với người thích cãi không phải là thua, mà là chứng tỏ mình không hèn như họ. Đó cũng là cách tránh dịp tội cho cả đôi bên. Họ đáng khinh và đáng trách, nhưng đó là quyền tự chọn của họ. Cuộc sống có chuỗi hệ lụy: “Gieo hành vi thì gặt thói quen, gieo thói quen thì gặt tính cách, gieo tính cách thì gặt số phận.” (Tiểu thuyết gia William Makepeace Thackeray)

Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, Chủ Chiên đích thực, (Ga 10:11) và cũng là Cửa Chuồng Chiên. (Ga 10:7-9) Ngài luôn quan tâm đàn chiên. Chúa Giêsu là Người Chăn Chiên đích thực nên nặng “mùi chiên.” Nghề gì có mùi đó. Mùi hôi tanh có giá trị hơn mùi thơm tho. Việt ngữ nói là “mồ hôi” thật chí lý. Chính cái mùi khó ngửi đó chứng tỏ công lao vất vả của cha mẹ vì con cái, các mối quan hệ khác cũng vậy. Mấy bà bán cá “vương” mùi tanh, mấy người chăn heo có mùi heo. Sự ảnh hưởng rất tự nhiên, không thể không có.

“Mùi chiên” có nghĩa bóng. Tại Việt Nam, đa số chiên là dân nghèo, tại sao chủ chiên không có “mùi nghèo” của chiên? Chủ chiên có “mùi” của chiên béo thì chủ chiên đó có “lạ” gì và đáng quý hay không? Chúa Giêsu xác định: “Chiên của tôi thì NGHE tiếng tôi, tôi BIẾT chúng và chúng THEO tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10:27-30) Ba động từ rất rõ ràng: Nghe, Biết, Theo.

“Mùi chiên” phải là mùi thật, mùi tự nhiên, không thể là mùi nhân tạo. Người ta có thể chế biến đủ loại hương liệu để tạo mùi giả, “mùi chiên” cũng vậy thôi. Chiên cũng đa dạng, lắm kiểu, nhiều loại: mập – ốm, cao – thấp, trắng – đen, sang – hèn, giàu – nghèo,… Chiên hay chủ cũng đều có vấn đề riêng.

Có những con chiên “ốm yếu” hoặc “ghẻ lở” thì “hôi hám” lắm, không dám đi bên những con chiên “béo tốt” hoặc “mượt mà” bộ lông trắng thơm tho. Giữa bầy chiên “đẹp” vẫn có con chiên “xấu” lạc loài chứ chẳng đi lạc đâu xa!

Ngày xưa tông đồ Giuđa Iscariot đã dùng biểu tượng yêu thương là “nụ hôn” để nộp Thầy Giêsu, ngày nay cũng có những người dùng “nụ hôn” hoặc những kiểu tương tự để “qua mặt” tất cả. Câu nói của cố TT Nguyễn Văn Thiệu vẫn đúng trong mọi trường hợp: “Đừng NGHE mà phải NHÌN cho rõ!” Chính Chúa Giêsu cũng đã nói rồi: “Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pharisêu, men Sađốc, và men Hêrôđê.” (Mt 16:6; Mc 16:15) Những kẻ chăn thuê lẻo mép khéo nịnh bợ lắm, đừng nhẹ dạ cả tin kẻo “chết” không kịp ngáp!

Lạy Chúa, xin cho chúng con kết hợp với Ngài và nên một tinh thần với Ngài (x. 1 Cr 6:7). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Trầm Thiên Thu

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.